02/04/2025 - Đăng bởi : Hồ Thanh Trúc
Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất đem lại hiệu quả cao. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình này với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng theo dõi HiFarm nhé!
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao
Gia đình ông Trần Đình Minh (thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng) có hơn 1ha đất rẫy. Nhiều năm trước, gia đình ông trồng keo, bạch đàn nhưng do khu vực này thiếu nước tưới, mưa ít nên cây phát triển èo uột. Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đầu năm 2019, ông xin chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp trồng trọt.
Ông Minh cho biết: “Tôi đã vay mượn đầu tư lắp đặt hơn 2.700 tấm pin năng lượng mặt trời và đấu nối hòa lưới điện quốc gia. Phần khoảng không dưới giàn pin năng lượng tôi làm chuồng nuôi thỏ, trùn quế và trồng dứa. Tổng chi phí đầu tư mô hình hơn 18 tỷ đồng. Bước đầu, mô hình mang lại thu nhập cho gia đình hơn 300 triệu đồng/tháng. Gia đình đang tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình và kết hợp trồng nấm”.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết. Những năm qua, huyện luôn khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Áp dụng công nghệ trên các lĩnh vực trồng trọt mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Mô hình sản xuất tỏi theo hướng VietGAP được Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng thực hiện rất thành công. Nhiều trang trại trồng trọt, trang trại tổng hợp được đầu tư với quy mô tương đối lớn. Kết hợp với sản xuất điện năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục nhân rộng
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết. Những năm tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất hàng hóa tập trung. Lấy hiệu quả sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường. Chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, huyện tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản để làm nền tảng xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại; tạo điều kiện tối đa cho phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường trong và ngoài huyện.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất; cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả, tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cho ngành hàng; thường xuyên tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và xử lý chất thải trong chăn nuôi...
Cùng theo dõi HiFarm để cập nhật tin tức mỗi ngày nhé!