Dâu Trung Quốc “giả dạng” Dâu Đà Lạt tràn lan

02/04/2025 - Đăng bởi : Hồ Thanh Trúc

Đến với thành phố sương mù Đà Lạt, du khách sẽ “choáng ngợp” với những quầy bán dâu tây có mặt trên khắp mọi nẻo đường. Nhưng đó là dâu Trung Quốc hay dâu Đà Lạt? Không một ai dám chắc chắn liệu quả này có là hàng “chính hãng” của hay không. Hãy cùng HiFarm theo dõi bài viết hôm nay để cập nhật thêm thông tin nhé!

Vấn nạn dâu Trung Quốc tràn lan

Khi vào mùa cao điểm du lịch, việc khách hàng mua dâu tây về làm quà đã khiến cung không đủ cầu. Hiện tượng thương lái "xé rào", nhập dâu tây Trung Quốc về để trà trộn với dâu tây Đà Lạt đã xảy ra. Tất nhiên, hình thức kinh doanh gian dối này chỉ là của một số ít kẻ gian thương hám lợi. Phần đông những người trồng dâu chân chính hay những tổ hợp tác, HTX ký bao tiêu sản phẩm dâu tây với nông dân đều vô cùng bức xúc khi gian thương phá hoại thương hiệu dâu tây Đà Lạt mà bao nhiêu người nơi đây đang dày công xây dựng.

Dâu New Zealand HiFarm canh tác tại Đà Lạt

Bài học từ Nhật Bản

Chợt nhớ đến câu chuyện làng Kawakami Mura, nằm ở phía tây thủ đô Tokyo, Nhật Bản.  Người dân Nhật Bản đã gọi làng Kawakami là ngôi làng "thần kỳ’’. Nguyên nhân chính là bởi nơi đây từ một ngôi làng nghèo khổ nhất đất nước mặt trời mọc, nhưng nhờ mọi người đều đồng lòng trong sản xuất, ngôi làng dần thay đổi và trở thành làng giàu có nhất cả nước. Ước tính thu nhập bình quân hộ gia đình hiện nay tại làng Kawakami đạt 250.000 USD/năm.

Vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20, người dân làng Kawakami chủ yếu làm nông nghiệp với việc canh tác lúa. Nhưng lương thực làm ra không đủ nuôi sống gia đình. 

Năm 1980, vị trưởng làng Kawakami đã đề ra một quy trình rất nghiêm ngặt trong sản xuất. Ban đầu là lấy mẫu đất, nước của từng khoảnh ruộng. Tiếp đến là kỹ thuật canh tác, chế độ nước, phân và khâu bảo quản sau thu hoạch. Sau 20 năm, làng Kawakami đã ra được quy trình canh tác theo chuẩn riêng của mình, không theo bất cứ tiêu chuẩn nào trên thế giới, nhưng bảo đảm sản phẩm của các nông hộ đồng nhất tuyệt đối với nhau.

Điều đáng nói, sản phẩm của làng có giá cao hơn gấp năm lần so với sản phẩm cùng loại ở Nhật Bản nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Trong quá trình canh tác, nếu nông hộ nào làm sai sẽ bị cấm sản xuất trong một thời gian và những sản phẩm làm sai đó sẽ bị tiêu hủy ngay tại làng mà không cho phép đưa ra thị trường dưới mọi hình thức. 

Dâu tây Đà Lạt

Quay về câu chuyện dâu tây Đà Lạt tại Việt Nam, loại quả này được người Pháp đưa tới canh tác từ cuối thế kỷ 19. Vào những năm cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40, người dân nơi đây đã được người Pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác dâu tây, hoa hồng và một số loại rau củ để cung cấp tại chỗ cho Pháp kiều đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Cây dâu tây ở Đà Lạt được duy trì liên tục từ thời đó đến nay, nhưng diện tích còn nhỏ lẻ. Vì đây là loại trái cây “sang trọng”, chỉ dùng để ăn chơi. Vào những năm kinh tế tập trung, bao cấp, diện tích canh tác dâu tây càng giảm mạnh. Do đây không phải là cây lương thực hay thực phẩm thiết yếu.

Thực trạng dâu tây Đà Lạt 

Nhà vườn Đà Lạt đã chú ý phát triển cây dâu tây từ vài chục năm trở lại đây, nhưng diện tích cũng chỉ ở mức trên dưới 130 hecta với sản lượng khoảng 1.500 tấn mỗi năm.

Dâu tây là loại trái cây xốp, nhanh hỏng và khó vận chuyển đi xa. Loại quả này chỉ thật sự phát triển khi du lịch Đà Lạt được đẩy mạnh. Không chỉ thưởng thức ngay, du khách thường mua và tự tay mang về. Hoặc nhiều đường bay từ Đà Lạt được mở ra, khiến thời gian vận chuyển dâu tây đi các nơi khác trở nên nhanh chóng hơn.

Vườn Dâu New Zealand HiFarm

Hiện nay, cây dâu tây đang được Đà Lạt chú ý phát triển và xây dựng thương hiệu bền vững. Tính đến thời điểm này, có hàng chục vườn, trang trại dâu tây kết hợp làm du lịch bằng việc cho khách tham quan và mua sản phẩm. Dâu tây được vinh dự nằm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp "Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành’’. Vào tháng 6/2020, quả dâu tây Đà Lạt đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. 

Biện pháp

Để giữ thương hiệu cho dâu tây Đà Lạt, người dân và chính quyền cần có những quy định nghiêm ngặt đối với nguồn nhập khẩu bên ngoài. Song song đó, các hộ canh tác cần hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm, bao bì và có những cam kết cụ thể về chất lượng. Đồng thời cần có biện pháp xử phạt hợp lý đối với những kẻ gian thương hám lợi.

Không thể cấm dâu tây Trung Quốc hay ở một quốc gia nào khác vào Việt Nam nếu nó được nhập khẩu chính ngạch và qua các khâu kiểm định an toàn. Giá cả hay giá trị sản phẩm do thương hiệu và chất lượng quyết định. Qua khảo sát thực tế, những lô dâu tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt những ngày qua có mẫu mã đẹp hơn dâu tây Đà Lạt, tuy chất lượng, mùi vị không bằng. Một yếu tố quan trọng là loại dâu tây này rất lâu hỏng trong khi dâu tây Đà Lạt chỉ để môi trường tự nhiên khoảng hai ngày và bảo quản đúng cách cũng không quá một tuần.

Không chỉ dâu tây Đà Lạt, nhiều mặt hàng nông sản khác đang phải chiến đấu với hàng Đà Lạt giả mạo - hàng Trung Quốc đội lốt Đà Lạt. Vũ khí duy nhất của người Đà Lạt vẫn chỉ là chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Trong bối cảnh quản lý thị trường còn nhiều khuyết điểm, nông dân tự bơi, còn người tiêu dùng không biết nơi đâu mà lần.

Kết lại

Trái cây ngoại nhập đa số là ngon hơn, đẹp hơn hàng trong nước, và giá cũng ngày càng rẻ hơn. Chợ Đà Lạt nông sản đầy ắp, đẹp mắt, đa số dân du lịch cứ thấy ngon, đẹp, rẻ là mua. Mà không biết đâu mới là hàng thật, đâu là hàng giả mạo.

Tương lai của dâu tây Đà Lạt sẽ rất khó khăn nếu cứ để trái quặt quẹo, chua và nhanh hỏng. Trong khi dâu nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc có trái to, đẹp, thơm và ăn rất ngọt. Chỉ có nông dân Đà Lạt mới quyết định được tương lai ấy.

Back to top