02/04/2025 - Đăng bởi : Hồ Thanh Trúc
Phát triển nông nghiệp xanh trong ngành nông nghiệp đã đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong việc sử dụng công nghệ ở các vùng nông thôn châu Á kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Việc sử dụng đất và các kỹ thuật mới đã giúp cải thiện sản lượng nông nghiệp và cứu người dân châu Á khỏi nạn đói và sự thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Theo dõi HiFarm để biết thêm thông tin chi tiết nhé.
Tăng trưởng nông nghiệp xanh (AGG)
Tăng trưởng nông nghiệp xanh (AGG) là một khuôn khổ đầu tư nhằm giải quyết vấn đề sản xuất lương thực nhiều hơn bằng việc duy trì đa dạng các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ hệ sinh thái trong điều kiện đất đai và tài nguyên hữu hạn.
Khu vực Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Hơn 42% người nghèo trên thế giới có thu nhập dưới 1,25USD/ngày nằm ở khu vực này. Tình trạng suy dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ chiếm số lượng lớn với gần 21% dân số bị suy dinh dưỡng, 41% trẻ em bị thiếu cân nặng và 8% qua đời trước khi lên 5 tuổi.
Gia tăng dân số cùng với tăng trưởng kinh tế đã gây áp lực lớn lên ngành nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Nam Á nhận định rằng giải pháp cho các vấn đề trên nằm ở một nền kinh tế xanh.
Tăng trưởng nông nghiệp và bảo vệ môi trường là một phần quan trọng trong chiến lược này. Việc sử dụng các yếu tố đầu vào không hiệu quả như nguồn nước, phân bón và tài nguyên thiên nhiên làm suy giảm năng suất cây trồng dẫn đến giảm lợi nhuận.
Ấn Độ
Một trong các quốc gia Nam Á đã có những biện pháp tập trung vào an ninh lương thực quốc gia để đảm bảo thu nhập an toàn cho người dân đó là Ấn Độ.
Cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ được đặc trưng bởi việc sử dụng nhiều loại hạt giống và phân bón có năng suất cao, giúp tăng đáng kể năng suất đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ban Hội thẩm để đề xuất các biện pháp giúp tăng gấp đôi thu nhập của người nông dân cho đến năm 2022.
Rào cản đầu tiên cần vượt qua là sự suy giảm năng suất. Dữ liệu từ năm 2013 cho thấy, sản lượng gạo trung bình của Ấn Độ trên mỗi hecta thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia.0
Trong khi Ấn Độ chi 31% GDP nông nghiệp cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thì Trung Quốc đã chi gần gấp đôi. Ngay cả người hàng xóm là Bangladesh cũng dành hơn 38% GDP nông nghiệp cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Nhật Bản
Một quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á đã có nền nông nghiệp xanh trong đô thị nổi bật bởi áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo tính bền vững và thân thiện với sinh thái đó là Nhật Bản.
Có thể nói sản lượng nông nghiệp ở khu vực đô thị Nhật Bản chiếm một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp của cả nước
Nông nghiệp xanh trong đô thị Nhật Bản cung cấp nguồn sản phẩm tươi và an toàn bao gồm các loại cây hữu cơ, sử dụng ít hóa chất. Hình thức nông nghiệp trong đô thị đã mở ra cơ hội cho người dân đô thị tham gia vào các hoạt động nông nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trao đổi giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Hình thức này còn mở rộng không gian cho việc quản lý thiên tai, bao gồm phòng chống cháy lan trên diện rộng, mở không gian sơ tán cho người dân khi động đất xảy ra.
Không những vậy, nông nghiệp trong đô thị còn mở ra không gian xanh cho các hoạt động giải trí cá nhân. Quan trọng nhất là người dân sẽ nhận được sự giáo dục để nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề nông nghiệp bền vững.
Mặc dù nông nghiệp ở các thành phố Nhật Bản đem lại nhiều lợi ích thực tế và tiềm năng nhưng nó cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Chỉ trong thập kỷ qua, việc sử dụng đất nông nghiệp đã giảm hơn 40% do các tác động liên quan đến đô thị.
Thái Lan
Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn phụ thuộc rất lớn vào ngành nông nghiệp. Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã có những biện pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong đó có việc xây dựng các thành phố nông nghiệp xanh.
Dự án “Thành phố Nông nghiệp xanh” đã được Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đưa ra như một dự án hàng đầu trong năm tài chính 2014 để hỗ trợ phát triển tăng trưởng xanh.
6 địa điểm được thí điểm bao gồm Chiang Mai ở phía Bắc, Nong Khai và Si Sa Ket ở vùng Đông Bắc, Chanthaburi ở phía Đông, Phatthalung ở phía Nam và Ratchaburi ở miền Trung. Dự án bao gồm việc phát triển tất cả các trang trại, cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Thái Lan nhận thấy nhu cầu được sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh của người dân. Bằng cách sử dụng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nguồn lương thực và năng lượng sạch sẽ được đảm bảo.
Cục Khuyến nông Thái Lan đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp xanh để chuẩn bị cho tự do hóa thương mại trong tương lai.
Xu hướng gia tăng về nông nghiệp xanh cũng đảm bảo an toàn cho người nông dân và người tiêu dùng, giúp tăng cường hệ sinh thái nông nghiệp và thúc đẩy nâng cao sức khỏe của người dân.