Liệu đưa nông sản sạch vào siêu thị trên các địa bàn tại Việt Nam có thực sự khó như chúng ta thường nghĩ? Cùng HiFarm tìm hiểu nhé!
Mục lục:
Cạnh tranh với hàng ngoại
Số liệu thống kê được Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho thấy có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Điều này cho thấy tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ hàng hóa chung hoặc hàng phi thực phẩm do yếu tố rủi ro về an toàn.
Mặc dù vậy, con số trên được cho là đang dần thay đổi nghiêng về phía các định dạng bán lẻ hiện đại. Nhưng chiều hướng thay đổi này nhanh hay chậm thì nông sản sạch hay nông sản hữu cơ vẫn gặp nhiều thách thức lớn.
Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được truyền thông thị trường. Đáng lo hơn, là còn thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Họ còn phụ thuộc thương lái tự do và doanh nghiệp bao tiêu. Ngay như năng lực cạnh tranh thị trường cũng yếu từ mẫu mã cho đến bao bì.
Hơn nữa, việc đưa hàng hóa, nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán…
Trong khi đó, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Giới chuyên gia cho rằng đối với người nông dân thì đây có thể là con số lớn nhưng thực ra vẫn khá nhỏ bé so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Theo ông Hoàng Sơn Công (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam), có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đưa tỷ lệ sản phẩm thực phẩm hữu cơ vào Việt Nam tiêu thụ rất cao so với nguồn cung ứng trong nước. Do đó, đặt ra vấn đề là liệu người Việt có khả năng tạo ra sản phẩm hữu cơ tự cung cấp trong nước hay không, hay sẽ nhường “sân” cho sản phẩm hữu cơ của nước ngoài, bởi điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn.
Nông sản sạch vào siêu thị có khó?
Hiện nay, ngoài hệ thống siêu thị và đại siêu thị, đang có mô hình hợp tác xã liên kết với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Mô hình này cũng đang phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, gần 800 hộ sản xuất cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+ của Vingroup. Công ty VinEco đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo đào tạo về chuyên môn quy mô lớn tại 3 khu vực với sự tham gia của gần 2.000 người, hỗ trợ hơn 500 hộ sản xuất đăng ký VietGAP.
Thực tế cho thấy, việc DN trực tiếp đứng ra thành lập hợp tác xã là một xu hướng tất yếu bởi khi mô hình liên kết giữa DN và nông dân ngày càng mở rộng thì việc quản lý các hợp đồng liên kết riêng lẻ gặp phải nhiều khó khăn. Nông dân không bị ràng buộc chặt chẽ bởi quyền lợi chung của cả chuỗi giá trị nên dễ dàng “bẻ kèo” phá vỡ hợp đồng.
Vừa qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với NH Bắc Á (BacABank) tổ chức ký kết hợp tác xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, phía BacABank đã cam kết nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho từng loại hình hợp tác xã để cung cấp các ưu đãi về lãi suất, phương thức thanh toán và thời hạn giải ngân.
Kết lại
Tiêu thụ nông sản đang là vấn đề bức thiết không chỉ đối với nông dân mà còn với các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Và một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho nông dân chính là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Do đó, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi… Ngoài ra, công tác kết nối cung – cầu cũng cần chặt chẽ hơn. Đồng thời, để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm.