Ngày càng có nhiều loại trái cây Việt bước “đĩnh đạc” vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Và Chuối cũng là một trong những loại trái cây được ưu ái xuất khẩu. Cùng HiFarm tìm hiểu thông tin nhé!
Mục lục:
Gợi mở ký ức từ chuối
Không cần “dao to búa lớn”, chỉ cần sự tinh tế và nhạy bén, 30.000 trái chuối nếp do Cơ sở Bánh tét Ba Châu và Công ty CP BJ&T (khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) làm hàng xuất khẩu thành công. Cái hay của câu chuyện chuối nếp nướng xuất khẩu không chỉ gợi nhớ cơn bão “thức ăn đường phố” trên mạng Internet với chuối nếp nướng tại World Street food Congress (Singapore, tháng 5-2020) mà còn liên hệ tới “cuộc đời” và vận hội của chuối.
Bằng cách gợi mở ký ức từ chuối nếp nướng đối với người xa xứ; chị Nguyễn Thị Ngọc Bích và Công ty CP BJ&T đã bất ngờ tìm lối ra cho món ăn dân gian.
Peter Jeffey Lambert, chuyên gia phát triển Anh ngữ, chương trình liên kết Vietnam Consulting Group; tìm được bức ảnh buồng chuối chín cây với những nải tốp đầu chín vàng và những nải bên dưới còn xanh; nói ” lần đầu thấy được buồng chuối chín cây như vậy”.
Ở miền Tây, chuối xiêm, chuối sứ – trồng nhiều và được khen ngon – tập trung ở Cà Mau. Người ta nói, chuối trồng ở vùng phèn ăn vẫn ngon lành. Trước đây, một dự án khởi nghiệp để ý nhiều nhà, có bàn thông thiên hay cúng chuối; đã nghĩ tới việc cung cấp chuối xiêm cho nhu cầu này. Nhưng ý tưởng này bỏ lửng khi dòng chuối già lan rộng.
Chị Ngọc Bích là người có công gợi nhớ tới chuối xiêm, chuối sứ. Nói như vậy chẳng có gì sai, nhưng chưa đủ vì cơ sở Chuối Tư Bông ở Ðồng Tháp; và nhiều nơi khác vẫn âm thầm làm nhiều sản phẩm từ chuối. Tại Cần Thơ, nhiều điểm bán chuối nướng nếp “gia truyền”; khéo dùng nước cốt dừa, chuối và nếp thành những món ăn chơi có sức thôi miên. Hơn nữa, miền Tây còn rất nhiều loại chuối cau, chuối tiêu… vốn được xem là món ngon của thiên đường.
Nhạy bén trong xuất khẩu
Ở xứ mình, cây chuối sau hè, trồng theo đường làng, thậm chí cheo leo ở một góc đồng cho chim ăn… đã quen mắt, có lẻ vì vậy ít công trình nghiên cứu so với chuối dole, laba… Gần đây, đã có doanh nghiệp xuất khẩu chuối cây (cây chuối hột), bắp chuối. Tuy nhiên, so với Thái Lan thì Việt Nam vẫn chậm một bước khi hành động để chuối có tầm che phủ trên thị trường.
Hiện nay, các nước châu Phi là nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, không phải do những kết quả nghiên cứu khảo cổ học được công bố mà là… sản phẩm của họ an toàn và có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Người châu Âu xem chuối là trái cây của thiên đàng. Rafael Nadal, người được xem là một trong những tay vợt (Tennis) xuất sắc nhất mọi thời đại, luôn tranh thủ bổ sung năng lượng giữa những hiệp đấu bằng cách ăn chuối. Tại châu Âu, nhà thiết kế nổi tiếng của Pháp Jean Paul Gaultier đã tạo những bộ cánh haute-couture và ready-to-wear từ lá chuối.
Hiện nay, tại nhiều nước, chuối được xem là món ăn giảm cân. Nhu cầu nhập khẩu chuối gắn với nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nhiều lô hàng trái cây được xuất khẩu sang EU và sẽ tiếp tục tác động tích cực lên ngành hàng rau quả của Việt Nam.
Từ đầu năm 2020 đến 15-11-2020, kim ngạch xuất khẩu chuối các loại của Việt Nam đạt 149,12 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu chuối tươi trên 136,5 triệu USD, theo Tổng cục Hải quan.
“Chợ chuối” toàn cầu
Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ chuối số lượng lớn. Ủy ban Thương mại Quốc tế cho hay, 9 tháng đầu năm 2020 nước này đã nhập khẩu 3,88 triệu tấn chuối, trị giá 2,14 tỉ USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Ðể bước vào thị trường này, Việt Nam phải đối mặt với Guatemala, Costa Rica, Ecuado, Honduras; Mexico, Columbia, Panama và Cộng hòa Dominica… vốn có lợi thế về vị trí địa lý và hiểu rõ thói quen tiêu dùng của thị trường đa văn hóa, đa sắc tộc.
Vào châu Âu? Hiệp hội các nhà xuất khẩu chuối của Ecuador (AEBE) tin rằng lợi thế xuất khẩu đang nghiêng về nước này khi châu Âu cho phép 99% sản phẩm của Ecuador xuất khẩu vào Na Uy, Ailen (Ireland), Thụy Sỹ theo Hiệp ước EFTA (Hiệp ước của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu) với thuế suất 0%. Trước đây, Thụy Sỹ – thị trường chiến lược nhất trong khối EU – từng áp mức thuế lên chuối nhập khẩu tới 25%. Theo Bộ Ngoại thương Ecuador, Hiệp ước EFTA sẽ giúp cho ngành xuất khẩu chuối Ecuador tăng khoảng 12,8%. Ecuador sẽ lấy lại vị thế đã mất kể từ năm 2014 khi Columbia và EFTA ký thỏa thuận thương mại tự do.
Costa Rica cũng từng xuất khẩu chuối sang EU. Tuy nhiên, do các loại bệnh gây hại nên các nhà sản xuất phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng. Họ đề nghị EU áp dụng các giới hạn dư lượng tối đa cho phép, đánh giá rủi ro của từng chất và sản phẩm cụ thể, phù hợp với yêu cầu của EU.
Liên minh châu Âu có thể thay đổi quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc thực vật trong chuối của Costa Rica xuất khẩu sang EU? Theo nhiều chuyên gia, châu Âu là nơi mạnh dạn hơn, dứt khoát hơn trong việc dựng rào cản kỹ thuật với thuốc bảo vệ thực vật. Ðiều đó, cũng sẽ xảy ra với các nước đã thỏa thuận với EU, chẳng hạn như Việt Nam với EVFTA.
Ở châu Á, Nhật tiêu thụ 1,138 triệu tấn chuối trong 9 tháng năm 2020, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019; theo thống kê từ Cơ quan Thống kê Philippines (PSA). Mức tiêu thụ này còn cao hơn mức tiêu thụ của Trung Quốc (893.600 tấn) mua từ Philippines. 10 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường ASEAN, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Australia, Nga, UAE, Canada, Ả rập Xê út, Anh tăng; ngược lại xuất khẩu sang Trung Quốc, Hong Kong giảm.
Trái ngon xuất ngoại
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế, nhập khẩu chuối của Trung Quốc giai đoạn 2015-2019; tăng trưởng bình quân 18,5%/năm, từ 1,07 triệu tấn (năm 2015) lên 1,94 triệu tấn (năm 2019).
Từ tháng 11-2020, giá chuối xanh trên 12.000 đồng/kg khi Trung Quốc thu mua dịp cuối năm. Kinh nghiệm của tỉnh Lai Châu cho thấy: Ðể tránh cảnh bị thương lái Trung Quốc ép giá; bên cạnh việc cấp 27 mã vùng trồng và 20 mã cơ sở đóng gói đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã mời 30 thương nhân mua chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, phối hợp thông tin từng ngày. Các thương lái cho biết Trung Quốc đang tăng cường thu mua tích trữ, giá sẽ tăng. Giá chuối phụ thuộc vào chất lượng trái, minh bạch hóa từ nguồn gốc đến bao bì đóng gói và xuất khẩu.
So sánh giá cả chợ chuối toàn cầu, nguồn tin từ Hải Quan Việt Nam; giá xuất khẩu bình quân trong 2 tuần đầu tháng 11-2020: chuối tươi: 313,7 USD/tấn; chuối đông lạnh: 1.129 USD/tấn, chuối sấy: 3.124,3 USD/ tấn, nước ép chuối: 1.100 USD/tấn; lá chuối: 1.013,8 USD/ tấn, chuối chiên 2.644,8 USD/ tấn, bắp chuối: 7.955,4USD/tấn. Ðiều này khẳng định chế biến đa dạng sản phẩm để mở thị trường là sự chọn lựa tinh tế, thị trường đang khích lệ…