TPHCM đẩy mạnh hội chợ nông sản hữu cơ vào mỗi cuối tuần

Với nhu cầu sử dụng nông sản hữu cơ ngày càng cao của người tiêu dùng, TpHCM đã tiến hành đẩy mạnh việc phát triển những phiên chợ buôn bán sản phẩm organic (hữu cơ) và Hàng Việt Nam chất lượng – Chuẩn hội nhập vào mỗi cuối tuần. Điển hình là chợ phiên Organic Town – Gis Market, hãy cùng HiFarm xem phiên chợ này có gì nhé!

Hội chợ nông sản hữu cơ cuối tuần

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), dự án Chuẩn hội nhập, Công ty BSAS và Công ty cổ phần Vinamit đã khai trương không gian hội chợ “Organic Town – Gis Market” tại số 84 Nguyễn Du, Quận 1, TP HCM. 

Gis Market quy tụ nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm organic trên toàn quốc. Không chỉ là nơi giới thiệu nông sản hữu cơ, nơi đây còn cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao. Một số sản phẩm nổi bật như gạo, cà phê, nông sản chế biến, nông sản sấy, nước mắm, lợn rừng hữu cơ, rau củ, quả… Phiên chợ hoạt động vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, từ 7h – 17h.

Rau củ quả hữu cơ như bí đỏ có giá 80.000 đồng/kg, cải thìa 70.000 đồng/kg… Ngoài ra có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng như giảm giá lên đến 50% hoặc mua 1 tặng 1 cũng như trải nghiệm ăn thử sản phẩm tại phiên chợ.

Đại diện gian hàng rau củ Ashin cho biết, đây là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, rau củ canh tác theo hướng hữu cơ không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu nên an toàn đối với sức khỏe người sử dụng.

Khó khăn khi canh tác nông sản hữu cơ

Theo số liệu được cập nhật của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng mức tiêu thụ nông sản hữu cơ dao động khoảng 500 tỉ đồng/năm. Trong đó TP HCM và Hà Nội chiếm đến 400 tỉ đồng. Đây là mức tiêu thụ được xem là không cao.

Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch CTCP Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, chia sẻ: “Từ khi tham gia lĩnh vực nông sản hữu cơ vào năm 2013 đến nay, chỉ riêng đầu tư cho phần trồng, tôi đã mất gần 40 tỉ đồng. Năm 2017, chúng tôi mới chính thức đưa sản phẩm ra thị trường và đã mất thêm gần 30 tỉ đồng nữa nhưng chưa biết tương lai sẽ đi đâu, về đâu”.

Thời điểm nông nghiệp hữu cơ phát triển

Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, chia sẻ trong những năm gần đây, dù các nông trại của Việt Nam đang nỗ lực trong việc chuyển đổi và tung ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm Organic. 

Nhưng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng chưa thật sự cao vì giá khá “đắt đỏ”. Ông Viên cho biết “Thời của sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2020. Vì năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu rất quan tâm đến sức khoẻ. Và bắt đầu từ tháng 3/2020, các sản phẩm organic tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm hữu cơ và các startup trong lĩnh vực này”.

Sự ra đời của hội chợ nông sản hữu cơ như một bước ngoặt lớn giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng gặp gỡ, tìm hiểu, giao lưu và giới thiệu sản phẩm. Qua đó, phiên chợ sẽ góp phần tạo động lực để những doanh nông, hợp tác xã, cả những chủ nông trại nhỏ… hướng tới một kiểu canh tác kiểu mới trong tương lai.

Chỉ cần người tiêu dùng nhận ra được sản phẩm hữu cơ là không sử dụng các hóa chất độc hại trong suốt quá trình canh tác. Và an toàn cho sức khỏe thì dù giá có nhỉn hơn các nông sản thường vẫn sẽ được khách hàng chấp nhận.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết gần đây nhu cầu của người tiêu dùng, về các sản phẩm organic, hay đạt tiêu chuẩn quốc tế đã tăng lên đáng kể. 

Kết lại

Do đó việc tạo ra những không gian tin cậy cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi có thêm nhiều sản phẩm tốt, tiêu chuẩn chất lượng… cũng là một cách hỗ trợ, thúc đẩy tích cực cho các nhà sản xuất.