Hiện nay, xuất khẩu sang Trung Quốc không còn dễ dàng như trước. Do đó các mặt hàng nông sản như trái cây, rau quả nhập khẩu vào thị trường này đang ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn. Hôm nay hãy cùng HiFarm tìm hiểu thêm nhé!
Mục lục:
Xuất khẩu sang Trung Quốc có còn dễ dàng?
Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất nước với khoảng 33.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 600.000 tấn. Tuy nhiên, do không bảo quản được lâu nên khâu tiêu thụ thanh long vẫn là bài toán khó. Lượng trái thanh long sau thu hoạch chủ yếu tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh), từ năm 2016 đến nay, thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu thông qua các cặp cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc như: Tân Thanh – Pò Chài; Kim Thành – Hà Khẩu; Thanh Thủy – Thiên Bảo; Móng Cái – Đông Hưng. Trong năm 2019, lượng thanh long của cả nước xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đạt gần 1.500.000 tấn. Trong những tháng đầu năm 2020, lượng thanh long của cả nước xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đạt khoảng 698.000 tấn. Chính việc xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên nguy cơ ảnh hưởng đến nền sản xuất thanh long khi thị trường này bị ách tắc.
Hơn nữa, sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng rất lớn, nhưng vì “mạnh ai nấy làm” nên không điều tiết được lượng hàng vận chuyển ra biên giới. Đây cũng là một trong những lý do khiến thanh long Bình Thuận bị thương nhân Trung Quốc ép giá.
Tiêu chuẩn xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc
Đặc biệt, chính sách thương mại của Trung Quốc đã có sự thay đổi theo hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát vùng trồng, đơn vị đóng gói, bao bì, mẫu mã… Đồng thời, họ đang siết chặt thương mại tiểu ngạch với Việt Nam, hướng sang thương mại chính ngạch.
Tiêu chuẩn thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Thanh long tươi, vỏ đỏ, ruột trắng.
- Số lượng tai bị gãy ≤ 3 tai/trái, tai màu xanh tới vàng xanh, xanh tươi.
- Độ chín của trái đạt màu từ 4-6 theo tiêu chuẩn
- Đảm bảo đủ khối lượng: S (300 – 380g); M (381 – 460g); L( 461 – 600g)
Ða dạng hóa thị trường để tìm đầu ra cho thanh long Việt
Đáng quan tâm, khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam nhưng cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với nước ta. Thanh long Việt Nam phải cạnh tranh với thanh long Trung Quốc, trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn.
Chính vì vậy, để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái thanh long tương xứng với sản lượng ngày càng tăng nhanh hiện nay, nhu cầu bức thiết là phải đẩy mạnh phát triển mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Giải pháp đề ra
Trung tâm Xúc tiến thương mại cho rằng, trong thời gian tới cần có các giải pháp về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận cả trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa Bình Thuận với các tỉnh, thành phố. Song song, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chế biến từ trái thanh long để góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ trái thanh long tươi.
Đối với thị trường nước ngoài, tiếp tục củng cố và phát triển mở rộng đối với các thị trường truyền thống, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Pakistan, các quốc gia khu vực Trung Đông… nhằm đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Kết lại
Còn tại thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương xác định trong những năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Việt Nam, trong đó có thanh long Bình Thuận. Khi Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, tỉnh cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi…