Những ngày này, hàng ngàn hécta thanh long ở “thủ phủ” tỉnh Bình Thuận đang trong thời kỳ tạo và dưỡng trái để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá loại trái cây này vẫn đang ở mức rất thấp, thương lái cũng không dám đến các nhà vườn để đặt cọc thu mua như mọi năm, khiến người trồng thanh long như “ngồi trên đống lửa”. Cùng HiFarm tìm hiểu thông tin nhé
Thủ phủ thanh long thấp thỏm lo sợ dịp Tết đến
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, từ nhiều tháng nay, tình hình tiêu thụ gặp khó nên giá loại trái cây này luôn ở mức rất thấp, từ 5.000-8.000 đồng/kg. Do sản xuất trái vụ, chi phí chong đèn và phân bón lớn, nên với mức giá này, người nông dân đang bị lỗ.
Rảo quanh các khu vực trồng thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, người dân vẫn đang tất bật chăm sóc những vườn sai trĩu quả, nhưng không khí giao dịch, mua bán thì rất trầm lắng.
“Thường lệ, dịp này là thương lái đã đổ xô tới các nhà vườn để đặt vấn đề thu mua, bao tiêu sản phẩm để kịp phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay không thấy ai đến, khiến người dân chúng tôi thực sự lo lắng”, anh Trần Khải (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ.
Anh Văn Công Bảo (ngụ xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng, lứa thanh long trái vụ, tôi chỉ bán được 5.000 đồng/kg, thua lỗ hàng chục triệu đồng. Tâm lý nông dân thường trông chờ vào vụ tết nên tôi quyết đinh tái đầu tư. Giờ thanh long trong vườn đã ra trái nhưng thành bại hay không thì còn phải chờ vào sự may rủi”.
Hàng ngàn hộ trồng ở Bình Thuận đang đặt hết niềm tin vào thị trường tết sắp tới. Trong khi đó, một số thương lái thu mua thanh long cho biết, do tiêu thụ chậm nên hiện hầu hết kho trữ lạnh của các cơ sở thu mua thanh long đã không còn sức chứa, thương lái không dám đặt vấn đề thu mua với người nông dân cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải quyết.
Một nghịch lý đang diễn ra tại nơi có diện tích cây thanh long lớn nhất cả nước, đó là, trong khi thị trường tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn thì diện tích loại cây này đang không ngừng tăng lên, từ đó tạo nên hệ lụy kép. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận Phạm Quốc Hùng thông tin, năm 2020, diện tích trồng ở địa phương đạt trên 33.700ha, tăng 10,1% so với năm 2019; sản lượng gần 700.000 tấn, tăng 8,6%. Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định quy hoạch diện tích trồng thanh long của tỉnh đến năm 2020 là 28.000ha, định hướng đến năm 2025 là 30.000ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích của tỉnh Bình Thuận đã vượt xa con số định hướng của năm 2025 tới trên 3.700ha.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, vừa qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn gửi các đơn vị, tập đoàn kinh tế nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thanh long Bình Thuận, đồng thời sẽ làm việc trực tiếp với các hệ thống tập đoàn, siêu thị, trung tâm thương mại tại TPHCM và một số tỉnh thành để chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh long cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân địa phương.
Cùng theo dõi HiFarm để cập nhật thêm tin tức mỗi ngày nhé!