Mặc dù trên thị trường hiện nay đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ khiến cho tâm lý người tiêu dùng hoang mang. Cùng HiFarm tìm hiểu nhé.
Mục lục:
Thị trường thực phẩm hữu cơ hiện nay
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Dự án EU-MUTRAP tổ chức Hội thảo “Khuyến nghị chính sách để quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”.
Tại đây, những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được nhiều chuyên gia phân tích. Tràn lan sản phẩm đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ Theo thông tin tại Hội thảo, trong thời gian qua, diện tích nuôi trồng hữu cơ của nước ta ngày càng tăng đáng kể.
Cụ thể, diện tích nuôi trồng hữu cơ năm 2015 ước đạt khoảng hơn 76 nghìn ha tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. Bắt kịp với xu hướng thị trường về nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng, hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước với các mặt hàng chính như chè và các loại rau cũ quả.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng nắm bắt cơ hội phát triển của sản phẩm hữu cơ, đã liên kết hình thành tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo phương thức tự nguyện áp dụng theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) do Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm khiến cho tâm lý người tiêu dùng hoang mang, thiếu tin tưởng vào chất lượng các loại thực phẩm hữu cơ lưu thông trên thị trường.
Theo ông Hoàng Bá Nghị – Viện phó Viện Khoa học và Công nghệ Mekong, tuy Việt Nam tạo ra được nhiều nông sản nhưng chất lượng chưa cao cho nên thu nhập của đại bộ phận nông dân vẫn thấp, do phải cạnh tranh thị trường ở phân khúc giá rẻ.
Điều đáng nói, theo ông Nghị, hiện nông dân ngày càng có xu hướng sử dụng càng nhiều hóa chất độc hại để đạt năng suất cao và sản phẩm trông đẹp mắt. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với rau quả. Hậu quả là tình trạng ngộ độc thực phẩm do dư lượng hóa chất nông nghiệp ngày càng tăng.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Cũng liên quan đến nền nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Hồng, nông nghiệp hữu cơ và thực phẩm hữu cơ đã và đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tại Việt Nam, ông Hồng cũng cho biết, trong những năm gần đây xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Đặc biệt, thực phẩm hữu cơ đang có thị trường xuất khẩu rộng lớn, có giá trị cao đang tạo đồng lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, với 3/4 lãnh thổ là đồi núi, cây trồng đa dạng, phong phú về chủng loại và đảm bảo về chất lượng không thua kém bất cứ đất nước nào trong khu vực và trên thế giới. Với điều kiện thuận lợi sản xuất hữu cơ không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
“Việt Nam là đất nước có hơn 70% dân số là nông dân, đây là một lực lượng lao động dồi dào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là điều kiện thuận lợi cho một quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sinh kế cho nông dân, người sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm hữu cơ chất lượng, dinh dưỡng cao, bảo vệ đất môi trường sống của con người”, ông Mịch chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng – Nguyên vụ phó Vụ khoa học công nghệ và môi trường chia sẻ, Việt Nam rất có lợi thế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ do là nước nông nghiệp nhiệt đới, đất đai, khí hậu, nguồn nước cơ bản thuận lợi cho sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và những hỗ trợ chính sách phát triển cho lĩnh vực này.